LVTS Phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại ngân hàng tmcp đầu tư và phát triển Việt Nam- chi nhánh Mỹ Đình
- Mã tài liệu: LV0035 Copy
Môn: | LVTS |
Lớp: | |
Bộ sách: | |
Lượt xem: | 453 |
Lượt tải: | 7 |
Số trang: | 112 |
Tác giả: | |
Trình độ chuyên môn: | |
Đơn vị công tác: | |
Năm viết: |
Số trang: | 112 |
Tác giả: | |
Trình độ chuyên môn: | |
Đơn vị công tác: | |
Năm viết: |
Hệ thống hóa những vấn đề cơ bản có liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại.
Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình gia đoạn 2019-2021, đưa ra những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế.
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ, đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình.
Mô tả sản phẩm
Tính cấp thiết của đề tài
Tín dụng bán lẻ (TDBL) là một hình thức mà ngân hàng cấp tín dụng cho các đối tượng khách hàng là cá nhân và hộ gia đình. Đây là một hoạt động có vai trò quan trọng không chỉ với ngân hàng mà còn có ý nghĩa với các khách hàng và nền kinh tế- xã hội.
Tín dụng bán lẻ là một hoạt động cơ bản cấu thành nên hoạt động tín dụng của ngân hàng với những điểm nổi bật như: sự đa dạng về đối tượng khách hàng, lợi nhuận cao từ việc chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay và thu phí từ hoạt động bảo lãnh,… Bên cạnh đó, ngân hàng có nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm dịch vụ khác như: bảo hiểm, các sản phẩm phi tín dụng… của mình qua TDBL. Có thể thấy TDBL là một hoạt động giúp ngân hàng có thể tiếp cận đến nhiều khách hàng, mở rộng thị phần… góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, tín dụng bán lẻ đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho khách hàng. Khách hàng được hỗ trợ vốn kịp thời để phục vụ các nhu cầu về nhà ở, về tài sản cố định, về đầu tư kinh doanh, về tiêu dùng… thông qua hoạt động TDBL của ngân hàng. Ngân hàng giúp phân bổ nguồn lực tài chính một cách phù hợp, hiệu quả hơn với việc huy động từ những nơi thừa vốn và phân bổ lại những nơi thiếu vốn. Hoạt động này phần nào giúp nền kinh tế- xã hội ổn định và phát triển hơn.
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở, mua sắm tài sản cố định, tiêu dùng, đầu tư kinh doanh… của khách hàng bán lẻ đang tăng mạnh. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế cũng như đẩy mạnh sức cạnh tranh với các ngân hàng trên cùng địa bàn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình thực hiện đẩy mạnh triển khai rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ TDBL phù hợp đến với khách hàng. Tuy nhiên trong công tác quảng cáo, marketing sản phẩm đến với khách hàng còn gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực lẫn các yếu tố khách quan, chủ quan làm ảnh hưởng đến việc phát triển hoạt động TDBL của chi nhánh.
Để có cái nhìn đúng đắn hơn về hoạt động tín dụng bán lẻ tại chi nhánh, thông qua việc nắm bắt được tình hình hoạt động kinh doanh, tác giả đã nhận thức được sự cần thiết của việc phát triển hoạt động TDBL tại đây. Nhằm vận dụng những vấn đề nghiên cứu khoa học và thực tiễn hoạt động kinh doanh cũng như góp một vài ý kiến trong quá trình phát triển hoạt động TDBL của chi nhánh, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình” làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sỹ.
Tổng quan tình hình nghiên cứu
Phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngân hàng thương mại (NHTM). Đây là trong những hoạt động mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho ngân hàng nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng, vì vậy hoạt động TDBL đang là một lĩnh vực được quan tâm, nghiên cứu. Trên thực tế đã có không ít những công trình nghiên cứu về vấn đề này được thực hiện trong nước cũng như một số nước phát triển khác.
Các nghiên cứu nước ngoài
Nghiên cứu của Jim Marous (2021) “Retail Banking Year in Review 2020: A Reflection in 20 Charts” và “Top Digital Banking Transformation Trends For 2021” đã đưa ra các thành tựu và những hạn chế của ngân hàng bán lẻ (NHBL) trước bối cảnh đại dịch Covid-19 và phương hướng phát triển của NHBL trong năm 2021- chuyển đổi số. Hai nghiên cứ này chỉ ra sự thiếu sót của NHBL về việc phát triển kênh ngân hàng số và phương hướng về việc phát triển ngân hàng số tiếp cận, phổ biến cho khách hàng nhằm gia tăng nền khách hàng cá nhân, tối đa hoá lợi nhuận cho ngân hàng.
Nghiên cứu của Capgemini (2021) “Top Trends in Retail Banking: 2022” đã chỉ ra những xu hướng phát triển của Ngân hàng trong năm 2022 như: (i) Lấy khách hàng làm trung tâm để sáng tạo nên các sản phẩm, dịch vụ với tính năng vượt trội; (ii) Kênh ngân hàng tối ưu được xây dựng dựa trên sự tăng trưởng bền vững, lâu dài, trong đó các tương tác của con người phát triển từ phục vụ đến tư vấn sẽ được phát triển đầy đủ để tiếp cận với nền công nghệ mới- 5G.
Nghiên cứu “The future of retail banking” (2021) của Deloitte đưa ra 03 phương pháp phát triển hoạt động của NHBL trong thời kỳ đại dịch diễn ra: (i) Ngân hàng số; (ii) Xây dựng trung tâm quan hệ khách hàng; (iii) Phân chia khách hàng thành các phân đoạn khách hàng với các tiêu chí khác nhau. Ba phương pháp này có định hướng về sự phát triển của ngân hàng về mặt quản lý, từ cách tương tác với khách hàng đến cách đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp phù hợp với từng phân đoạn khách hàng.
Các nghiên cứu trong nước
Luận án tiến sĩ “Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam” của Vũ Hồng Thanh (2020) đã phân tích, luận giải ý nghĩa phát triển dịch vụ NHBL trước làn sóng số hóa hoạt động ngân hàng. Luận án đã đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại và phân tích nguyên nhân của kết quả cũng như tồn tại trong các dịch vụ NHBL tại BIDV từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển dịch vụ NHBL tại BIDV đến năm 2025 trước làn sóng số hóa.
Luận văn thạc sỹ “Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Thăng Long” của Vũ Thị Thu (2015) giúp hệ thống hoá các khái niệm về chất lượng TDBL, các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động TDBL. Bên cạnh đó luận văn đã đi sâu phân tích về hoạt động TDBL tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Thăng Long, đưa ra các thành tích đạt được khi thực hiện các biện pháp nâng cao hoạt động tín dụng mà ngân hàng đã áp dụng từ đó đề xuất, bổ sung các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động TDBL tại ngân hàng.
Luận văn thạc sỹ “Giải pháp phát triển tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Đông Hà Nội” của Nguyễn Hữu Tiến (2012) với mục đích đưa ra các luận giải những vấn đề về cơ sở lý luận, thực tiễn trong việc phát triển TDBL nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động tín dụng và sức cạnh tranh của các Ngân hàng thương mại nói chung và của Chi nhánh Đông Hà Nội nói riêng, từ đó đưa ra được một số giải pháp tích cực để phát triển TDBL tại Chi nhánh Đông Hà Nội.
Lý thuyết có tính kế thừa và khoảng trống nghiên cứu
Lý thuyết có tính kế thừa: Qua tổng quan nghiên cứu các công trình nước ngoài và trong nước, tác giả nhận thấy:
Các công trình ngoài nước đã đưa ra những đóng góp của NHBL; những nhân tố tác động và dự đoán xu hướng phát triển của NHBL trong nền kinh tế- xã hội hội nhập với toàn thế giới nhưng chưa có lý thuyết toàn diện về phát triển TDBL trước làn sóng số hoá hoạt động của ngân hàng.
Có khá nhiều trong nước đã nghiên cứu về các sản phẩm dịch vụ của NHBL và hầu hết các nghiên cứu đã đề cập đầy đủ và rõ ràng về khái niệm, vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng và tác động đến hoạt động TDBL tại ngân hàng. Các nghiên cứu trên đã đánh giá thực trạng hoạt động TDBL tại các NHTM tại Việt Nam. Ngoài ra một số nghiên cứu đã đưa hoạt động TDBL trong điều kiện cạnh tranh tự do và nền kinh tế hội nhập quốc tế; phân tích sự ảnh hưởng của làn sóng số hoá hoạt động ngân hàng và cuộc cách mạnh công nghệ 4.0
Khoảng trống nghiên cứu:
Có rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã nghiên cứu đến việc phát triển TDBL của ngân hàng thương mại. Các nghiên cứu trên thế giới đã tập trung phân tích về hoạt động ngân hàng bán lẻ và đưa ra các dự đoán về xu hướng phát triển của ngân hàng bán lẻ trong tương lai còn các nghiên cứu trong nước lại tập trung nghiên cứu các giải pháp để phát triển dịch vụ bán lẻ tại các ngân hàng cụ thể. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đưa ra đầy đủ và hoàn thiện về cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển hoạt động TDBL tại một NHTM cụ thể.
Vì vậy, một nghiên cứu cụ thể, toàn diện để hoàn thiện cơ sở lý luận về phát triển hoạt động TDBL trước làn sóng số hoá ngân hàng tại nước ta, từ đó đưa ra các giải pháp có căn cứ khoa học để vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn.
Mục tiêu, câu hỏi và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu
Hệ thống hóa những vấn đề cơ bản có liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại.
Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình gia đoạn 2019-2021, đưa ra những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế.
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ, đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình.
Câu hỏi nghiên cứu
Thế nào là phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại?
Thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình trong giai đoạn 2019-2021?
Giải pháp phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình trong thời gian tới là gì?
Nhiệm vụ nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích về thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình trong giai đoạn 2019-2021 để làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình.
Phạm vi nghiên cứu:
• Về nội dung: Phân tích thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình.
• Về thời gian:
(i) Số liệu thu thập cho giai đoạn từ 2017 đến 2021;
(ii) Trên cơ sở đó đưa ra những dự báo về xu hướng của cạnh tranh trong giai đoạn đến năm 2026.
• Về không gian: Đánh giá đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình.
Phương pháp nghiên cứu
Nguồn dữ liệu: Luận văn sử dụng nguồn dữ liệu thu thập được từ các tài liệu, thông tin nội bộ như: Báo cáo nội bộ tình hình kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV trong 03 năm gần nhất. của BIDV chi nhánh Mỹ Đình, Đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2022 của BIDV Mỹ Đình,… và nguồn dữ liệu thu thập được từ bên ngoài như từ các giáo trình, luận văn của khóa trước có liên quan đến đề tài, các nguồn dữ liệu từ internet…
Phương pháp nghiên cứu được áp dụng trong đề tài: Từ những số liệu, thông tin đã thu thập được từ các nguồn dữ liệu ở trên, sắp xếp lựa chọn những nội dung cần thiết phù hợp với đề tài. Sau đó, vận dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh các số liệu, các kết quả thực hiện của các dự án đã và đang thực hiện. Phương pháp tương quan và hồi quy được sử dụng để phân tích chỉ tiêu định tính: Mức độ hài lòng của khách hàng.
Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn được kết cấu theo 03 phần chính:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại.
Chương 2: Thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Mỹ Đình.
Chương 3: Giải pháp phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Mỹ Đình.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Luận văn đã làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại, trong đó nêu ra đặc điểm, vai trò cũng như bổ sung và hoàn thiện các chỉ tiêu quan trọng phản ánh sự phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ của Ngân hàng thương mại. Luận văn cũng dựa trên những tồn tại về hạn chế của hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình để phân tích sâu về nguyên nhân tồn tại hạn chế, từ đó đúc kết ra những bài học kinh nghiệm cho hoạt động tín dụng bán lẻ tại các Ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, Luận văn đưa ra thực trạng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình trong giai đoạn 2017- 2021: những kết quả đã đạt được, những mặt hạn chế và nguyên nhân các mặt hạn chế. Trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp cụ thể định hướng cho việc phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam- Chi nhánh Mỹ Đình trong giai đoạn tới nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng bán lẻ cũng như hiệu quả hoạt động của Ngân hàng.