SKKN Sử dụng infographic trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Hóa học THPT

Giá:
100.000 đ
Môn: Hóa học
Lớp: 12
Bộ sách:
Lượt xem: 1783
Lượt tải: 10
Số trang: 53
Tác giả: Phạm Thị Hồng Linh
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ giáo dục
Đơn vị công tác: THPT Đông Hiếu
Năm viết: 2021-2022
Số trang: 53
Tác giả: Phạm Thị Hồng Linh
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ giáo dục
Đơn vị công tác: THPT Đông Hiếu
Năm viết: 2021-2022

Sáng kiến kinh nghiệm “SKKN Sử dụng infographic trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Hóa học THPT” triển khai các biện pháp như sau: 

Các biện pháp sử dụng infographic trong dạy học Hóa học
Đề tài đã sử dụng infographic dưới dạng học liệu truyền thống hoặc học liệu số trong các hoạt động học tập sau:
1.Hoạt động trải nghiệm – kết nối
2.Hoạt động hình thành kiến thức mới
3.Hoạt động tự học có hướng dẫn
4.Hoạt động luyện tập, hệ thống hóa kiến thức đã học
5.Hoạt động vận dụng, tìm tòi mở rộng
6.Hoạt động KTĐG

Mô tả sản phẩm

PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, các thông tin đến với chúng ta có thể theo nhiều phương thức truyền tải khác nhau. Trong đó, infographic được các cơ quan báo chí, truyền thông lựa chọn để truyền tải thông tin với tần suất ngày càng cao. Infographic là hình thức đồ họa trực quan sử dụng hình ảnh để trình bày thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức phức tạp một cách nhanh, rõ ràng và sinh động với những đặc điểm nổi trội như khả năng tổng hợp, khái quát hóa, tính thẩm mĩ. Đối với người đọc, infographic được yêu tích nhờ rất ít chữ nhưng lại đầy đủ nội dung cần biết, hình ảnh minh họa phong phú, đẹp mắt. Trong giáo dục, việc sử dụng infographic vẫn còn khá mới mẻ, nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng ứng dụng để để đơn giản hóa sự truyền tải kiến thức cho HS.
Chương trình GDPT mới năm 2018 đã từng bước áp dụng vào các cấp học. Đổi mới PPDH và KTĐG theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS là một nhiệm vụ cấp thiết và trọng tâm. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc dạy và học cũng đang chuyển mình sâu sắc dựa trên nền tảng CNTT và tăng cường khả năng tự học của HS. Trong KTĐG, các bài kiểm tra viết có thể được thay thế bằng các bài thực hành, dự án học tập, sản phẩm học tập,… Hóa học với đặc thù là một bộ môn khoa học TN, nhưng với lượng kiến thức cần truyền tải lớn, rất cần hình thành kỹ năng tổng hợp, khái quát kiến thức và tạo được sự hứng thú trong HS. Infographic hoàn toàn có cơ sở để sử dụng trong môn Hóa học ở tất cả các hoạt động trải nghiệm – kết nối, hình thành kiến thức, luyện tập và vận dụng cũng như các hoạt động KTĐG HS.
Nhằm đưa infographic trở nên gần gũi hơn đối với GV và HS, tôi mạnh dạn nghiên cứu và áp dụng đề tài “Sử dụng infographic trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Hóa học THPT”. Đề tài giới thiệu và sử dụng infographic như một phương tiện mới trong dạy học Hóa học nhằm phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực tin học, phát huy các phẩm chất và góp phần định hướng nghề nghiệp cho HS.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
– Đối tượng nghiên cứu: Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và KTĐG sử dụng infographic trong dạy học môn Hóa học THPT.
– Phạm vi nghiên cứu: Chương trình môn Hóa học THPT.
III. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
– Tìm hiểu cơ sở lý luận về sử dụng infographic trong dạy học Hóa học.
– Tìm hiểu thực tế việc dạy học Hóa học ở trường THPT.
– Thiết kế và đề xuất biện pháp sử dụng infographic trong dạy học và KTĐG môn Hóa học THPT nhằm phát triển phẩm chất, năng lực HS.
– Thực nghiệm sư phạm để đánh giá tính khả thi của đề tài.
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đề tài sử dụng các phương pháp: Phương pháp nghiên cứu lý thuyết, phương pháp điều tra, phương pháp chuyên gia, phương pháp thực nghiệm,…
V. TÍNH MỚI VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI
Về mặt khoa học, đề tài góp phần nâng cao nhận thức của bản thân về một biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ Hóa học THPT theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.
Đề tài là có thể là một trong những đề tài đầu tiên nghiên cứu sử dụng infographic trong dạy học bộ môn Hóa học. Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã thiết kế, chia sẻ một bộ infographic Hóa học dùng trong dạy học bộ môn qua các hoạt động học tập (trải nghiệm – kết nối; hình thành kiến thức; hoạt động luyện tập, hệ thống hóa kiến thức; hoạt động vận dụng, tìm tòi mở rộng) và hoạt động KTĐG. Qua việc tự tay thiết kế các infographic, HS tiếp cận, thành thạo các thao tác trên một số phần mềm phổ biến, phát triển năng lực tin học và năng lực công nghệ, góp phần định hướng nghề nghiệp theo khối ngành thiết kế, đồ họa.
VI. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
– Nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn: Từ 09/2020 đến 09/2021.
– Thiết kế và sử dụng infographic trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS. Tiến hành thực nghiệm sư phạm: Từ 09/2020 đến 03/2022.
– Hoàn thiện đề tài SKKN: Từ 04/2022.

PHẦN II: NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Dạy học và phát triển phẩm chất, năng lực
1.1.1. Phẩm chất và năng lực
Phẩm chất và năng lực là hai thành phần cơ bản trong cấu trúc nhân cách nói chung và là yếu tố nền tảng tạo nên nhân cách của con người.
Phẩm chất là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người. Chương trình GDPT 2018 đã xác định các phẩm chất chủ yếu cần hình thành và phát triển cho HS phổ thông bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.
Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ vào các tố chất và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kinh nghiệm, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí, … thực hiện đạt kết quả các hoạt động trong những điều kiện cụ thể. Chương trình GDPT 2018 đã xác định mục tiêu hình thành và phát triển cho HS các năng lực cốt lõi gồm các năng lực chung và các năng lực đặc thù. Các năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua các môn học và hoạt động giáo dục gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Các năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ và năng lực thể chất.
Môn Hoá học ngoài việc góp phần hình thành và phát triển ở HS các phẩm chất và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể, còn hình thành và phát triển ở HS năng lực hoá học – một biểu hiện đặc thù của năng lực KHTN với các thành phần:
– Năng lực nhận thức hoá học: Nhận thức được các kiến thức cơ sở về cấu tạo chất; các quá trình hoá học; các dạng năng lượng và bảo toàn năng lượng; một số chất hoá học cơ bản và chuyển hoá hoá học; một số ứng dụng của hoá học trong đời sống và sản xuất.
– Năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ hóa học: Quan sát, thu thập thông tin; phân tích, xử lí số liệu; giải thích; dự đoán được kết quả nghiên cứu một số sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và đời sống.
– Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học: Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết một số vấn đề trong học tập, nghiên cứu khoa học và một số tình huống cụ thể trong thực tiễn
1.1.2. Dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực
Dạy học theo hướng phát triển phẩn chất, năng lực là mô hình dạy học hướng tới mục tiêu phát triển tối đa phẩm chất và năng lực của HS thông qua cách thức tổ chức các hoạt động học tập độc lập, tích cực, sáng tạo của HS dưới sự tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ hợp lý của GV.
Mục tiêu dạy học chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực; lấy mục tiêu học để làm, học để cùng chung sống làm trọng tâm. Nội dung dạy học được lựa chọn dựa trên yêu cầu cần đạt được về phẩm chất, năng lực, chú trọng đến các kĩ năng thực hành, vận dụng lí thuyết vào thực tiễn. Về PPDH, GV là người tổ chức các hoạt động, hướng dẫn HS tự tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng; sử dụng nhiều PPDH, KTDH tích cực, chú trọng phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp… Kế hoạch bài dạy được thiết kế dựa vào từng đối tượng HS.
Tiêu chí đánh giá dựa vào kết quả “đầu ra”, quan tâm tới sự tiến bộ của HS, chú trọng khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, các phẩm chất và năng lực cần có. HS được tự đánh giá và được tham gia vào đánh giá lẫn nhau…
1.2. Ứng dụng CNTT, khai thác và sử dụng học liệu số trong dạy học và giáo dục HS THPT môn Hóa học
1.2.1. Học liệu số và thiết bị công nghệ
Thuật ngữ “học liệu số” hay “học liệu điện tử” được giải thích là tập hợp các phương tiện điện tử phục vụ dạy và học, gồm: giáo trình điện tử, SGK điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, bài kiểm tra điện tử, bản trình chiếu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm mô phỏng,…
Thiết bị công nghệ được hiểu là những phương tiện, máy móc, thiết bị có chức năng thu nhận, xử lí, truyền tải thông tin dữ liệu phục vụ hoạt động dạy học, giáo dục, có thể trong giai đoạn chuẩn bị, soạn thảo các kế hoạch, hoặc khi tổ chức dạy học, giáo dục, hay khi KTĐG, tổng kết.
1.2.2. Vai trò của CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học
Thiết bị công nghệ và học liệu số chính là thành phần của thành tố thiết bị dạy học và học liệu nói chung, vai trò của chúng thể hiện như sau:
– Tác động đến các thành tố của quá trình dạy học, giáo dục như mục tiêu, nội dung, PPDH và KTDH, phương pháp và công cụ KTĐG,… HS đứng trước thách thức phải lựa chọn thông tin phù hợp cho mục tiêu học tập trong vô vàn thông tin, nhưng cũng là cơ hội để HS phát triển phẩm chất trách nhiệm, năng lực tự chủ và tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Sự đa dạng của các thiết bị công nghệ và học liệu số dẫn đến sự đa dạng về nội dung dạy học, PPDH, KTDH, phương pháp và hình thức KTĐG theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS.
– Thiết bị công nghệ và học liệu số tạo điều kiện cho GV tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục đa dạng, hiệu quả. Chẳng hạn với một ý tưởng sư phạm tổ chức kế hoạch bài dạy thành một “game show”, nếu không có học liệu số hay thiết bị công nghệ, GV khó có thể thực hiện một cách khả thi với các điều kiện về thời gian, môi trường, thiết bị dạy học… không thay đổi.

Thiết bị công nghệ và học liệu số còn góp phần hỗ trợ, cải tiến các PPDH, giáo dục truyền thống cũng như thay thế khi cần thiết, phù hợp nhất là trong điều kiện tự nhiên, các bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến việc dạy học.
– Thiết bị công nghệ và học liệu số góp phần phát triển hứng thú học tập và kĩ năng của người học bởi sự “trực quan hóa” các dữ liệu học tập. HS phát triển kĩ năng sống, tư duy làm việc khoa học đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
1.2.3. Sử dụng học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học môn Hóa học THPT
Trong chương trình GDPT, Hoá học là môn học thuộc nhóm môn KHTN ở cấp THPT, được HS lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân. Mục tiêu chung của môn Hoá học là giúp HS hình thành, phát triển năng lực hoá học, đồng thời góp phần cùng các môn học, hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở HS các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung.
Để phát triển các thành phần năng lực hoá học, cần chuẩn bị và khai thác tốt các thiết bị dạy học, trong đó bao gồm các học liệu số và thiết bị công nghệ. Việc lựa chọn ứng dụng phần mềm, thiết bị công nghệ để thiết kế và trình diễn học liệu số cần phải xét đến các yếu tố cơ bản sau đây:
– Loại nội dung dạy học cần hoặc phải được sử dụng ở dạng học liệu số.
Bảng 1.1: Định hướng lựa chọn dạng học liệu số phù hợp với nội dung dạy học

Loại nội dung dạy học Dạng học liệu số
Khái niệm: Loại nội dung thường trừu tượng mang tính chất khái quát các sự vật, hiện tượng,… Hình ảnh, video, mô phỏng
Cấu trúc – chức năng, tính chất: Loại nội dung này mang tính chất mô tả cấu tạo, cấu trúc, hình thái, chức năng, tính chất của đối tượng. Hình ảnh động, video, mô phỏng
Hiện tượng, quá trình: Loại nội dung này mô tả trình tự phát triển, diễn biến của sự vật, hiện tượng,… Video, thí nghiệm ảo, mô phỏng
Quy luật, định luật, học thuyết: Loại nội dung này mang tính chất khái quát hóa các sự vật, hiện tượng, quy luật khách quan,… thường khó, trừu tượng. Bảng dữ liệu, video, thí nghiệm ảo, mô phỏng
Ứng dụng: Loại nội dung này ứng dụng các kiến thức cốt lõi vào thực tế cuộc sống Bảng dữ liệu, hình ảnh, video
– GV cần kết hợp xem xét tính năng, ưu điểm và hạn chế của các phần mềm để lựa chọn được phần mềm hỗ trợ phù hợp với bối cảnh và điều kiện:
Bảng 1.2. Một số phần mềm phổ biến được sử dụng để hỗ trợ thiết kế, biên tập nội dung dạy học trong môn Hóa học
Dạng học liệu số Một số phần mềm phổ biến
Bài giảng điện tử MS PowerPoint, Google Slide, Open Office, Canva,…
Thí nghiệm ảo, mô phỏng – Yenka, ChemLab, Portable Virtual Chemistry Lab,…
– Trang web PhET Interactive Simulations,…
Sơ đồ tư duy – Mindomo, Mindmup, iMindmap,…
Video – Video Editor, Camtasia, Youtube,…
Tệp/file hình ảnh Paint, Snipping Tool, PowerPoint, Canva,…
Tệp/file âm thanh Audacity, Viettel AI Open Platform,…
Bảng dữ liệu Microsoft Excel, Google Sheet, Open Office Calc…
Bài tập và câu hỏi Google Forms, Quizizz, Kahoot…
– Điều kiện triển khai: Việc lựa chọn phần mềm để thiết kế, biên tập học liệu số còn phụ thuộc vào năng lực CNTT của GV và các điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, GV, HS,…
1.3. Giới thiệu về infographic
1.3.1. Khái niệm về infographic
Infographic là từ ghép giữa information (thông tin) và graphic (đồ họa). Hiện nay, có nhiều định nghĩa infographic khác nhau:
– Infographic là hình ảnh đồ họa thể hiện thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức nhằm thể hiện thông tin phức tạp một cách nhanh chóng và rõ ràng. Chúng giúp cải thiện khả năng nhận thức bằng cách sử dụng đồ họa để tăng cường khả năng hệ thống thị giác của con người khi nhìn vào các hình mẫu và xu hướng (Daniel Adams, 2011).
– Theo từ điển Oxford, infographic là cách thể hiện trực quan thông tin hoặc dữ liệu như dạng biểu đồ, sơ đồ.
Như vậy, infographic được hiểu đơn giản là thiết kế đồ họa thông tin, cụ thể chính là dạng thức thể hiện các thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức bằng hình ảnh trực quan. Mục đích chính của infographic là thể hiện một chủ đề phức tạp thành những hình ảnh đơn giản, thẩm mĩ, giúp người xem dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ thông tin.
1.3.2. Đặc điểm của infographic
– Infographic mang tính khái quát cao: Hệ thống hình ảnh, biểu tượng cho phép cung cấp một lượng lớn thông tin; vừa làm rõ những dữ liệu phức tạp, vừa tổng hợp thông tin thông qua cách sắp xếp các nội dung và biểu tượng.
– Infographic có tính logic: Thông qua infographic, các thông tin có giá trị được tổng hợp theo hệ thống theo một trật tự nhất định và đơn giản hóa để đảm bảo dễ hiểu trong một thời gian ngắn.
– Infographic có tính thẩm mĩ: Infographic gây ấn tượng và hứng thú với người đọc về màu sắc và sự sắp xếp hợp lý, hài hòa các hình ảnh, số liệu và thông tin.
– Infographic có tính sáng tạo: Infographic là một sản phẩm thường mang dấu ấn cá nhân, đa dạng về màu sắc và cách trình bày tùy theo mục đích sử dụng.
1.3.3. Lợi thế của infographic trong dạy học môn Hóa học THPT
Infographic có thể hỗ trợ, đáp ứng tốt cho việc giảng dạy nói chung và giảng dạy bộ môn Hóa học nói riêng, cụ thể:
– Infographic có khả năng tạo sự thu hút lớn: Con người khám phá thế giới bằng trực quan với 90% thông tin được não ghi nhận dưới dạng hình ảnh, vì thế hình ảnh giúp thông tin hấp dẫn và thu hút hơn. Trên internet, một infographic có khả năng được chọn đọc nhiều gấp 30 lần so với bài viết hoặc biểu đồ đơn giản.
– Infographic giúp người học nhớ nhanh và lâu kiến thức: Infographic với hệ thống thông tin tổng hợp hoặc theo từng chủ đề riêng biệt, nhờ đó người xem có khả năng ghi nhớ lâu hơn do trình bày chuyên sâu về một nội dung nào đó. Khoa học đã chứng minh, với dữ liệu rời rạc, não chỉ đơn giản giải mã ý nghĩa của chúng mà không có chức năng ghi nhớ. Trái lại, thông tin đã được hệ thống sẽ kích thích các khái niệm có sẵn trong não, liên hệ đến cảm xúc, suy nghĩ và để lại ấn tượng lâu dài.
– Infographic giúp tiết kiệm thời gian học tập: Giáo dục cũng như bất cứ ngành nào đều muốn nâng cao hiệu quả công việc thông qua việc nâng cao năng suất và giảm thiểu thời gian. HS THPT phải đảm bảo học tập cùng lúc nhiều môn học, đồng thời cần có thời gian để rèn luyện thể dục thể thao, tham gia hoạt động xã hội, rèn luyện kĩ năng sống,.. thì việc giảm thiểu thời gian trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả, chất lượng học tập là điều thực sự có ý nghĩa. Khoa học đã chỉ ra rằng, cơ chế hoạt động của bộ não vốn xử lý hình ảnh nhanh hơn chữ viết. Infographic với sự sắp xếp các thông tin cần thiết một cách hợp lý khiến HS chú ý cao độ, từ đó tiếp thu được nhiều thông tin chỉ trong một thời gian ngắn.
Sử dụng infographic vào giảng dạy Hóa học sẽ giúp GV giảm bớt việc mô tả thông tin, số liệu mà tập trung vào phân tích nội dung. Đồng thời nội dung bài học được sẽ được truyền tải “mềm” hơn, thu hút hơn, giúp HS tiếp thu nhanh hơn, dễ dàng nắm bắt thông tin quan trọng.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN
2.1. Đặc điểm bộ môn Hóa học
Việc nghiên cứu, tìm hiểu và ứng dụng infographic trong dạy học, giáo dục vẫn đang còn mới mẻ nhưng đang được các nhà khoa học sư phạm trong nước quan tâm. Bộ môn Hoá học chứa đựng một lượng kiến thức lớn có thể được khái quát hóa một

cách ngắn gọn và sinh động nhờ infographic. Hệ thống kiến thức này có sự liên hệ với nhau chặt chẽ theo kiểu cấu tạo – tính chất – ứng dụng – điều chế nên phát huy được điểm mạnh trong sự logic, bố cục nội dung và hình ảnh của infographic. Hoá học kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết và thực nghiệm, là cầu nối các ngành KHTN khác như vật lí, sinh học, y dược và địa chất học; đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Sự gần gũi của Hóa học trong sản xuất và đời sống hoàn toàn có thể được thể hiện một cách trực quan, sinh động và có tính cập nhật nhờ infographic.
Hiện nay, HS THPT phân hóa thành nhiều đối tượng với các mục tiêu đào tạo khác nhau. Nhóm HS định hướng khối thi có môn Hóa học hoặc tổ hợp KHTN vốn học tập chuyên sâu nhưng cũng cần nắm vững những kiến thức và kĩ năng cơ bản. Hiện nay, nhiều trường Đại học đã và đang sử dụng kết quả của bài thi Đánh giá năng lực (trong đó, môn Hóa học cũng chiếm một tỉ lệ nhất định) để tuyển sinh. Nhóm HS định hướng tổ hợp KHXH vẫn phải đảm bảo kiến thức cơ bản để hoàn thành mục tiêu giáo dục của chương trình GDPT. Dù là với đối tượng nào, HS cũng có nhu cầu được tiếp cận với những PPDH và hình thức tổ chức dạy học đa dạng, hấp dẫn với sự “mềm mại” hóa kiến thức. Nhóm tác giả Phạm Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Quỳnh Thơ, Nguyễn Thị Dung đã hoàn thiện sách “Infographic chinh phục kỳ thi THPT Quốc gia môn Hóa học (NXB ĐHQG Hà Nội, 2019). Cuốn sách đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, cho thấy rằng infographic đáp ứng được nhu cầu giảm áp lực trong việc thu nhận kiến thức của HS.
2.2. Cơ sở vật chất của nhà trường
Kinh tế đất nước và địa phương ngày một phát triển nên cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng được đầu tư đúng mức, điều kiện học tập của HS ngày một quan tâm. Đặc biệt, để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các nhà trường cũng nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng để đảm bảo các hình thức dạy học phù hợp với tình hình. Tại trường THPT nơi công tác, tất cả các phòng học, kể cả các phòng chức năng, phòng thực hành đều đã được trang bị hệ thống tivi, máy chiếu đầy đủ và đảm bảo đường truyền mạng internet (LAN, wifi). Một số phòng học còn được trang bị máy vi tính và camera để tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy học.
2.3. Đội ngũ giáo viên
Qua khảo sát GV trong trường THPT nơi công tác và một số trường THPT lân cận về những hiểu biết về infographic, hầu hết các GV đều đã nhận thức đúng được bản chất của infographic là sử dụng hình ảnh để truyền tải thông tin. Tất cả các GV đều đã tiếp cận với các infographic trên các trang báo điện tử, mạng xã hội và cảm thấy thích đọc các infographic hơn là đọc những tin tức dài dòng. Với câu hỏi về mức độ sử dụng infographic trong dạy học, hầu hết các GV cho rằng thỉnh thoảng sử dụng infographic, số còn lại chưa từng sử dụng. Tuy chưa thực sự được phổ biến, nhưng gần như tất cả các GV đều thấy được một số ưu thế của infographic trong dạy học bộ môn của mình như: giúp HS có khả năng tổng hợp kiến thức tốt hơn; tăng tính hình ảnh trong dạy học, giúp HS tăng hứng thú học tập bộ môn và tăng cường

tư duy sáng tạo. Trở ngại đối với việc sử dụng infographic trong dạy học đối với nhiều GV đó là khả năng sử dụng CNTT của bản thân còn hạn chế, cần phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và phải có những hiểu biết nhất định về cách thiết kế, sử dụng các phần mềm để tạo ra các infographic phù hợp với các bài dạy.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT năm 2018, đội ngũ GV đã được Bộ GD&ĐT tập huấn qua hệ thống Bồi dưỡng GV phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (Chương trình ETEP) tại địa chỉ http://taphuan.csdl.edu.vn. Trong chương trình, GV được bồi đưỡng các module quan trọng như:
– Module 1: Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018.
– Module 2: Sử dụng PPDH và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực HS.
– Module 3: Đánh giá HS theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
– Module 4: Xây dưng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.
– Module 9: Ứng dụng CNTT, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục HS.
Sau khi học tập các module trên, GV hoàn toàn có thể thiết kế và sử dụng các infographic trong xây dựng được kế hoạch dạy học và KTĐG cho tại thời điểm hiện tại và nhiều năm học tiếp theo khi áp dụng Chương trình GDPT 2018.
2.4. Thực trạng học sinh
Thế hệ HS hiện nay được làm quen và tiếp xúc hàng ngày với các thiết bị công nghệ và mạng internet. Nhiều thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và các gói cước internet cũng có giá cả vừa phải để nhiều phụ huynh có thể trang bị phục vụ nhu cầu học tập và giải trí cho con em.
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, HS được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập. Nhiều HS đã sử dụng thành thạo các phần mềm văn phòng, phần mềm chỉnh sửa ảnh và biên tập video và đang hướng tới công việc thiết kế chuyên nghiệp. Một khảo sát cũng được tiến hành trên các lớp thực nghiệm và lớp đối chứng của trường THPT nơi công tác cho thấy hầu hết HS đã tiếp cận với infographic qua truyền thông, các bài trình chiếu PowerPoint hoặc các phiếu học tập của GV. HS ấn tượng và hứng thú với infographic qua các hình ảnh và cách trình bày các thông tin, qua đó cũng thể hiện mong muốn được tiếp cận nhiều hơn và sẵn sàng thiết kế infographic nếu như GV giao nhiệm vụ.
III. THIẾT KẾ INFOGRAPHIC
3.1. Một số yêu cầu khi thiết kế infographic
Sự đa dạng trong cách thức thiết kế và sử dụng infographic chính là nhân tố khiến cho infographic phát huy được tối đa sở trường, năng lực, phong cách của riêng HS hay GV trong quá trình dạy học hóa học. Tuy nhiên, khi thiết kế infographic cũng phải lưu ý các yêu cầu sau:
– Nội dung trong mẫu thiết kế infographic phải ngắn gọn, thông tin phải chính xác, từ ngữ phải ngắn gọn, dễ hiểu.
– Lựa chọn mẫu thiết kế infographic phải phù hợp với nội dung thông tin truyền tải. Ví dụ, nếu infographic liên quan đến việc thống kê hoặc về các con số, nên chọn các mẫu có biểu đồ, mô phỏng tỉ lệ…
– Infographic phải có tính thẩm mĩ, hài hòa, có điểm nhấn; có sự cân bằng giữa đồ họa hình ảnh và không gian trống không chứa nội dung. Điều này liên quan đến tiêu đề, hệ thống biểu tượng, cách phối màu và sắp xếp vị trí,…
– Kích thước infographic không cố định nhưng phải phù hợp với kích thước của màn hình trình chiếu, màn hình điện thoại và máy tính.
3.2. Quy trình thiết kế infographic
3.2.1. Xác định mục đích thiết kế
Infographic trong môn Hóa học thuộc loại cung cấp thông tin khoa học nên các yếu tố cơ bản cần đạt được là chính xác, dễ hiểu, dễ nhớ. Tùy vào các hoạt động học tập để có thể thiết kế theo kiểu phiếu học tập, cung cấp kiến thức hoặc hệ thống hóa kiến thức. Tùy vào điều kiện của thiết bị dạy học, infographic có thể sử dụng như là một học liệu truyền thống hoặc một học liệu số.
3.2.2. Thu thập thông tin, hình ảnh, số liệu
Thông tin, số liệu trong infographic cần được truyền tải ngắn gọn, súc tích, tập trung vào chủ đề và có tính cập nhật cao. Có thể tìm thấy các thông tin, số liệu ở các tài liệu, sách báo mới nhất hoặc các trang web uy tín của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Một điều lưu ý khi thiết kế infographic là việc hình ảnh hóa tối đa những mẫu số liệu. Các hình ảnh minh họa trong infographic có thể tìm kiếm ở các nguồn sau:
– Hình ảnh do người thiết kế tự chụp, thiết kế và chỉnh sửa.
– Hình ảnh trên kho tài nguyên của phần mềm thiết kế. Các phần mềm như MS PowerPoint, Canva đều có kho tài nguyên khổng lồ với các hình ảnh và biểu tượng đồ họa,… và được cập nhật thường xuyên.
– Một số trang web trên mạng internet hỗ trợ tìm kiếm hình ảnh như Google (https://www.google.com/); Pngtree (https://www.pngtree.com/); Flickr (https://www.flickr.com/); Pinterest( https://www.pinterest.com/),…
GV và HS cần có một số kỹ năng trong tìm kiếm thông tin trên internet. Trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing,…, không cần thiết nhập cả một câu đầy đủ mà có thể nhập một số trong các từ khóa quan trọng vào lệnh tìm kiếm. Để thu hẹp phạm vi tìm kiếm, có thể sử dụng các cú pháp tìm kiếm hoặc sử dụng tính năng “Tìm kiếm nâng cao” để tìm kiếm giới hạn định dạng file (.pdf, .docx, .png, .jpg, .gif,…).

Có thể mở rộng tìm kiếm về mặt ngôn ngữ bằng cách sử dụng từ khóa tiếng nước ngoài, sử dụng từ chuyên ngành để tìm kiếm chọn lọc hơn những thông tin khoa học.
Các thông tin, hình ảnh trên internet cần phải kiểm tra tính chính xác, tính khách quan, tính cập nhật và tính bản quyền. Ở phần cuối infographic cần phải ghi rõ nguồn tin, nguồn số liệu hoặc hình ảnh.
Ví dụ, khi thiết kế infographic “Xăng sinh học – Vì một hành tinh xanh”:
Tác giả tìm kiếm thông tin, số liệu trên trang web của Bộ Giao thông vận tải (https://www.mt.gov.vn/) và cẩm nang sử dụng xăng E5 RON92 của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (https://www.petrolimex.com.vn/).
Tác giả tìm kiếm hình ảnh trên kho tài nguyên ứng dụng bới các từ khóa “ethanol”, “bioethanol” (ethanol sinh học); “sugarcane” (mía đường), “cassava” (sắn), “corn” (ngô), “oil rig” (giàn khoan dầu), “world map” (bản đồ thế giới),…
3.2.3. Xây dựng bố cục của một infographic
Người dùng có thể tự thiết kế sao cho phù hợp với nội dung và cá tính sáng tạo của cá nhân. Ngoài ra, các ứng dụng thiết kế infographic cung cấp một kho tài nguyên về các bản thiết kế mẫu với những bộ khung, những bảng màu được phân loại và sắp xếp sẵn để hình dung công việc thiết kế dễ dàng hơn.
Bố cục cơ bản của một infographic bao gồm ba phần: chủ đề, kênh hình và kênh chữ. Việc xây dựng bố cục của infographic có thể tiến hành theo 4 bước:
– Bước 1: Lựa chọn hình ảnh, biểu tượng
Dựa trên những số liệu, nội dung cần thể hiện, người thiết kế phác họa bước đầu những biểu tượng và hình ảnh dự kiến sử dụng. GV phải đặt mình vào vị trí HS để xem xét liệu HS có thể nhanh chóng hiểu được nội dung hay không.
– Bước 2: Xác định màu nền cho infographic
Màu nền cho infographic nên sử dụng màu sắc phổ quát, tránh pha trộn hỗn hợp nhiều hơn hai màu trừ khi thật cần thiết. Người thiết kế cần nắm được các quy tắc phối màu cơ bản để màu nền và màu các kênh hình, kênh chữ trở nên hài hòa.
– Bước 3: Phác họa một số kiểu bố cục định dùng cho infographic
Các cách thức sắp xếp các khối thông tin (vị trí, màu sắc) được căn cứ trên màu nền đã chọn sao cho đảm bảo tính trực quan.
– Bước 4: Chọn kiểu chữ, cỡ chữ
Với trình độ tin học cơ bản, GV vẫn có thể sử dụng các kiểu chữ sẵn trong phần mềm với các điểm nhấn là là sự khác biệt giữa các kí tự, cỡ chữ, định dạng chữ. Font chữ và kiểu chữ tối đa nên sử dụng là 3.

0/5 (0 Reviews)
0/5 (0 Reviews)

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học nhằm tạo hứng thú học tập và góp phần nâng cao hiệu quả dạy học môn Hóa học lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018
10
Hóa học
4.5/5

Theo dõi
Thông báo của
guest
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Set your categories menu in Theme Settings -> Header -> Menu -> Mobile menu (categories)
Shopping cart

KẾT NỐI NGAY VỚI KIẾN EDU

Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho vấn đề của bạn.

0886945229

Email

kienedu.com@gmail.com

Đây chỉ là bản XEM THỬ - khách hàng vui lòng chọn mua tài liệu và thanh toán để nhận bản đầy đủ

TẢI TÀI LIỆU

Bước 1: Chuyển phí tải tài liệu vào số tài khoản sau với nội dung: Mã tài liệu

Chủ TK: Ngô Thị Mai Lan

STK Agribank: 2904281013397 Copy
* (Nếu khách hàng sử dụng ngân hàng Agribank thì chuyển tiền vào STK Agribank để tránh bị lỗi treo giao dịch)
STK TPbank: 23665416789 Copy
tài khoản tpbank kienedu

Bước 2: Gửi ảnh chụp giao dịch vào Zalo kèm mã tài liệu để nhận tài liệu qua Zalo hoặc email

Nhắn tin tới Zalo Kiến Edu (nhấn vào đây để xác nhận và nhận tài liệu!)